Bối cảnh và tổng quan 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh là một trong những ngôn
ngữ giao tiếp chung được sử dụng rộng rãi nhất, là chìa khóa cho quá
trình hội nhập và phát triển. Vì vậy, việc áp dụng tiếng Anh vào chương
trình giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học nhằm góp phần đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao, có thể hội nhập vào môi trường làm việc quốc
tế, đã trở thành một nhu cầu cấp thiết của mọi quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, ở tầm quốc gia, nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đến việc
nâng cao trình độ tiếng Anh cho thế hệ trẻ thông qua Đề án Ngoại ngữ
2020 (ĐANN) được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008. Với mong muốn “đến năm
2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại
học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp,
học tập, và làm việc trong mội trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn
hóa”, ĐANN đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng
Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân …, làm sao biến tiếng Anh trở thành
thế mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước …”. Song song đó, ĐANN cũng đã đề ra nhiệm vụ
cho các trường phải “đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong đào
tạo ngoại ngữ; …; nâng cao hiệu quả công tác khảo thí và kiểm định chất
lượng đào tạo các môn ngoại ngữ …”.
Đại học Quốc gia TP. HCM (ĐHQG-HCM), với vị trí là một đại học hàng đầu
của cả nước, đã tiên phong trong việc triển khai đề án “Dạy và học tiếng
Anh” từ năm 2010, thực hiên một số công trình nghiên cứu về thực trạng
dạy và học tiếng Anh ở các trường đại học, tiến đến đề xuất áp dụng
khung trình độ chung Châu Âu với vai trò định hướng cho công tác giảng
dạy và đánh giá tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của
ĐANN.
Nhằm đạt được mục tiêu ĐANN của Chính phủ và Đề án Tiếng Anh của
ĐHQG-HCM, cụ thể là chuẩn hóa việc đánh giá năng lực của người học theo
khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR), xây dựng, triển khai, và đánh giá
các chương trình tiếng Anh tăng cường theo các chuẩn mực này, ĐHQG-HCM
với quy mô đào tạo hơn 60.000 sinh viên hệ chính quy, cần có một trung
tâm chuyên trách khảo thí tiếng Anh để phục vụ cho toàn hệ thống.
Sự thành lập
Ngày 09/07/2013, Giám đốc ĐHQG-HCM đã ký quyết định số 779/QĐ-ĐHQG-TCCB thành lập Trung
tâm Khảo thí tiếng Anh ĐHQG-HCM (TTKTTA) nhằm đảm trách công tác khảo
thí tiếng Anh cho ĐHQG-HCM bằng công cụ đo lường trong nước đạt chuẩn
quốc tế. Sự thành lập của TTKTTA sẽ giúp công tác đánh giá trình độ năng
lực tiếng Anh cho sinh viên trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM nói riêng và
sinh viên trên cả nước nói chung được thực hiên một cách chuyên nghiệp
và được chuẩn hóa theo các chuẩn mực chất lượng quốc tế. Các hoạt động
của TTTKTA sẽ góp phần đẩy mạnh công tác khảo thí tiếng Anh nói riêng,
và phấn đấu theo kịp với trình độ thế giới về ngành khoa học đo lường
trong giáo dục nói chung.